HỘI ĐỒNG GIA TỘC
TỘC TRẦN ĐẮC
TỘC ƯỚC – TỘC TRẦN ĐẮC
(Thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)
Lời mở đầu
Con người được cha mẹ sinh ra, tạo hóa cho họ một phần thể xác, một phần linh hồn, nhìn chung là giống nhau, nhưng sự thật rất khác nhau (đen, trắng, cao thấp, to nhỏ…). Phần tính cách cũng vậy: nhanh, chậm, siêng, nhác, cầu kỳ, giản dị… Cũng từ đó, tục ngữ có câu “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, đó là đặc điểm riêng của từng người.
Dưới bất kỳ chế độ xã hội nào, dù xu hướng chính trị, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, nhưng tình cảm của gia tộc vẫn luôn luôn được đề cao và tôn trọng, đó là quy luật tất yếu của con người.
Những con cháu trong một dòng họ luôn có một sự ràng buộc về mặt tâm linh mà người ta thường gọi là huyết thống, có tính máu thịt hơn, hòa nhịp hơn, thông cảm yêu thương và gần gũi nhau hơn.
Với một xã hội phát triển, trên có Quốc pháp, dưới có Gia quy. Dựa vào điều kiện sinh sống, để dòng họ ngày càng phát triển hơn, biết kính trên nhường dưới, biết tôn trọng pháp luật và làm rạng danh dòng tộc. Các thành viên trong gia tộc thỏa thuận xây dựng các quy tắc ứng xử riêng cho dòng họ mình để đi đến cái đích cuối cùng là “Sống cho trọn đạo làm người, làm vẻ vang cho gia tộc”. Những quy tắc nầy gọi là Tộc Ước.
Như vậy, Tộc ước là những quy ước được đề ra trong mỗi dòng tộc và được mọi thành viên trong dòng tộc cam kết thực hiện.
Tộc ước Tộc Trần Đắc, Đại Hưng Đại Lộc có 4 phần:
-
- Phần thứ nhất: Trách nhiệm con cháu đối vởi tổ tiên, ông bà cha mẹ và cách ứng xử trong nội bộ tộc.
- Phần thứ hai: Trách nhiệm con cháu đối với các tộc họ khác tại địa phương và xã hội.
- Phần thứ ba: Mục tiêu của tộc họ và nghĩa vụ quyền lợi của các thành viên.
- Phần thứ tư: Tổ chúc và thực hiện.
Phần thứ nhất
Trách nhiệm của con cháu đối với Tổ tiên, ông bà cha mẹ và trong nội bộ tộc họ.
1/ Mọi người phải luôn luôn ghi nhớ công đức của tổ tiên ông bà, là cội nguồn của chính mình, con cháu trai gái dù ở đâu cũng phải lo việc chiêm ngưỡng, hương khói đến ông bà tổ tiên, vun đắp cho dòng họ, mộ tổ, nhà thờ được bền vững. Đời sống gia đình đầy đủ sung túc là mục tiêu, bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người.
2/ Mỗi người phải có trách nhiệm hướng dẫn cho con cháu đời sau biết được cội nguồn, gốc gác niềm tự hào của gia tộc, làm cho mối quan hệ bà con trong dòng tộc tuy xa nhau về không gian và thời gian nhưng tình máu mũ ruột thịt vẫn bền chặt và thương yêu nhau.
Thực hiện đạo lý “ máu chảy ruột mềm” biết bảo vệ những thành viên trong gia tộc trước những áp bức bất công, nhưng không bè phái manh động gây chia rẻ cuộc sống trong cộng đồng xã hội.
3/ Phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, học hành cao thấp, tôn giáo tín ngưỡng, luôn kính trên nhường dưới, khiêm tốn, lắng nghe ý kiên của nhau để phân biệt đúng sai, tự điều chỉnh những va chạm hiểu lầm nhau làm mất tình yêu thương ruột thịt, tổn thương đến tình cảm thiêng liêng của dòng tộc. Vì gia tộc, các thành viên phải biết nhẫn nhịn, hy sinh những quyền lợi cá nhân và gia đình để đạt được sự đồng thuận chung, giữ uy tín và danh dự của gia tộc.
4/ Ngày mùng 6 và mùng 7 tháng chạp âm lịch hàng năm là ngày hội mã toàn tộc (đây là ngày giỗ lớn chung từ ngày ông bà khai thiên lập địa, con cháu tiếp tục thực hiện không thay đổi). Do đó, con cháu làm ăn sinh sống các nơi phải có mặt đầy đủ trong ngày trọng đại nầy để cùng nhau tu tảo phần mộ tổ tiên và chiêm ngưỡng thờ phượng; trong trường hợp đặc biệt, bản thân và gia đình không về được, phải có thư hoặc tin báo cho Hội đồng Gia tộc biết. Nội dung thông tin có đủ 4 tiêu chí sau:
-
- Lý do không về được
- Tình hình sức khỏe của bản thân, gia đình và con cháu.
- Tình hình kinh tế của gia đình, sự học hành của con cháu.
- Thực hiện nghĩa vụ đóng góp xây dựng tộc, quỹ khuyến học, lời chúc và ý nguyện của gia đình với tộc họ.
5/ Ngày chạp mã tộc là ngày trọng đại truyền thống của dòng họ. Các con cháu phải cung kính tri ân thờ phượng, tưởng nhớ đên công ơn tổ tiên,
Sau phần nghi lễ chính, Hội đồng Gia tộc báo cáo các hoạt động trong năm, (bao gồm: Tổng hợp thăm viếng, chia sẻ, ủng hộ, công khai tài chính, các nghĩa vụ). Trình bày kế hoạch, định hướng cho năm đến. (Trong ngày nầy không thảo luận giải quyết các vấn đề vướng mắc, mâu thuẫn nội bộ. Những nội dung nầy phải được giải quyết trước hoặc sau ngày chạp mã, nếu có).
Phần thứ hai
Trách nhiệm của con cháu đối với xã hội và các tộc họ khác tại địa phương
1/ Nghiêm chỉnh tự giác thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật của nhà nước, những quy định về thuần phong mỹ tục, tôn trọng lãnh đạo chính quyền các cấp. Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ người công dân, những người có khả năng trình độ (khi có điều kiện) nên tích cực tham gia các hoạt động chính quyền và các hội đoàn thể nhằm góp phần xây dựng xã hội, góp phần làm cho dòng họ vẻ vang, gia đình hưng thịnh.
2/ Đối với các tộc họ khác tại địa phương nơi mình sinh sống và làm việc, phải luôn luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, kính trên nhường dưới, khiêm tốn học hỏi, hòa nhã lịch thiệp cùng nhau chung sống đoàn kết.
Không tự ti khi thất bại, không tự đại khi thành công. Phải biết khôn ngoan, thật thà lương thiện trong cuộc sống.
3/ Khi có những sự cố mâu thuẫn xảy ra giữa các cá nhân trong cộng đồng thì phải biết phân minh đúng sai, hòa giải để chung sống, ứng xử văn minh. Kiên quyết bảo vệ cái đúng, chống lại những biểu hiên sai trái bất công.
Phần thứ ba
Mục tiêu chung của Tộc họ; Nghĩa vụ, quyền lợi của các thành viên.
Mục tiêu chung:
+ Xây dựng nhà thờ và duy tu mộ Tổ.
+ Đoàn kết vì sự thành đạt và danh dự của dòng tộc.
+ Luôn hướng về cội nguồn, phấn đấu xây dựng Tộc họ đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau với phương châm “Ông bà mẫu mực, cha mẹ văn minh, con cháu hiếu thảo tiến bộ và gia đình hạnh phúc.
Mục tiêu cụ thể:
- Đến cuối năm 2011 hoàn thành gia phả Tộc Trần Đắc.
(Các thành viên phải cung cấp thông tin, HĐGT biên soạn)
- Đến năm 2014 chọn được địa điểm xây dựng nhà thờ Tộc.
- Hằng năm, HĐGT phải thường xuyên thăm viếng ốm đau ma chay trong dòng họ. Đây là việc làm cần thiết, mang tính chia sẻ động viên trong dòng họ, do đó phải được thực hiện kịp thời và theo định mức từng giai đoạn cụ thể do HĐGT họp thống nhất.
- Xây dựng công tác khuyến học khuyến tài:
Việc học là việc quan trọng nhất để phát triển con người, xu hướng chung của mọi thời đại, người có học luôn được xã hội trọng dụng và tin cậy vì sự hiểu biết. Sau khi hoàn thành việc xây dựng nhà thờ, việc khuyến học khuyến tài là công tác quan trọng và phải được thường xuyên phát triển. Do đó HĐGT phải tổ chức Ban khuyến học khuyến tài, có quy chế riêng nhằm động viên khích lệ con cháu các đời sau vượt khó, hiếu học làm vẻ vang cho bản thân, gia đình và dòng họ.
Xác định công tác khuyến học khuyến tài phải được tổ chức xuyên suốt cùng với sự tồn tại và phát triển của dòng họ.
+ Lập sổ vàng, gầy dựng kinh phí cho Tộc
Đây là công việc mang tính tự nguyện (ngoài quy định các nghĩa vụ phải đóng góp). Bản thân các con cháu nội ngoại dâu rể của Trần Đắc khi làm ăn được mùa và thành đạt, có lòng nghĩ đến dòng họ mà ủng hộ tùy theo lòng hiếu thảo và khả năng. Sổ vàng được lưu lại qua nhiều thế hệ để con cháu các đời sau tôn vinh và học tập. Sổ vàng được công bố trước tộc trong những kỳ chạp mã. Số tiền ủng hộ chỉ được sử dụng trong việc tu bổ mộ Tổ và nhà thờ Tộc (sau khi các trụ đóng góp nếu so với dự toán bị thiếu hụt mới sử dụng).
+ Xây dựng Hội Đồng Gia Tộc:
Hội Đồng Gia Tộc là một tập thể ít người được bầu chọn làm đại diện chính thức của Tộc Trần Đắc, là những người chịu trách nhiệm điều hành chung các hoạt động của cả dòng họ trong suốt nhiệm kỳ. HĐGT được bầu chọn bằng phiếu kín, nhiệm kỳ 5 năm. Cơ cấu của HĐGT gồm có: Trưởng tộc và các thành viên được phân công phụ trách các tiểu ban chuyên môn riêng, trách nhiệm các tiểu ban phải xây dựng kế hoạch, trình HĐGT quyết định.
Nguyên tắc bình chọn Trưởng tộc: Không nhất thiết phải là Nhánh nhất, nhì ba hoặc thế thứ lớn, nhỏ mà phải chọn người có tâm, có tầm có uy tín để lãnh đạo điều hành tộc họ.
Những thành viên được tín nhiệm tham gia trong HĐGT phải gương mẫu, động viên mọi người luôn đặt lợi ích của Gia Tộc lên trên hết, biết lắng nghe, phân tích đúng sai để tạo nên sự đồng thuận có lợi ích tốt nhất cho dòng họ.
Phần thứ tư
Tổ chức thực hiện
1/ Tộc ước là những cam kết mang tính cộng đồng của những cá nhân có quan hệ huyết thống trong một dòng họ, như một sự cam kết trách nhiệm cao thượng của đại gia đình Tộc Trần Đắc.
Từ những lợi ích chung của gia tộc nên việc thực thi các quyết định chung nhất đều đứng trên nguyên tắc tập thể biểu quyết và lấy kết quả theo số đông. Nếu kết quả ngang nhau thì kết quả sau cùng thuộc về bên biểu quyết của người điều hành cuộc họp.
2/ Người đứng đầu, người lớn tuổi hoặc có uy tín mỗi Nhánh, thường xuyên nhắc nhỡ chỉ bảo con cháu gương mẫu thực hiện các nghĩa vụ với gia tộc, hoà giải các va chạm phát sinh (nếu có), bình tĩnh nhẫn nhịn lẫn nhau, cùng nhau khắc phục.
Bảo đảm sự đoàn kết cao vì quyền lợi và danh dự của gia tộc là trên hết. Kiên quyết lên án, chặn đứng ngay những manh nha gây chia rẽ bè phái trong dòng họ. Biết mừng vui thật lòng cho những và các nhân thành đạt, biết sẻ chia những mất mát, thất bại của từng thành viên trong gia tộc như những thành công và thất bại của chính mình. Thấu hiểu được cảm giác “máu chảy ruột mềm của cả dòng họ” .
3/ Tại những địa phương có con cháu nội, ngoại Trần Đắc từ 2 gia đình trở lên phải thường xuyên liên lạc với nhau để biết những thông tin về tộc họ, quê nhà và nguồn cội, động viên hỗ trợ nhau giử vũng tình đoàn kết và hướng dẫn cho con cháu biết rõ nguồn cội xưng hô với nhau theo đúng trật tự trên dưới, thế thứ rõ ràng.
4/ Hội đồng gia tộc:
Hội đồng gia tộc bao gồm những thành viên có uy tín, có năng lực và điều kiện, được các thành viên trong gia tộc tín nhiệm bầu chọn để điều hành các công việc của dòng họ.
Việc tộc là việc tình nghĩa máu mũ, các thành viên hội đồng gia tộc không có quyền lợi, do được tín nhiệm nên phải có nghĩa vụ tận tâm hết lòng phục vụ vì lợi ích chung của dòng họ .
Là những người đại diện chính thức của gia tộc, hội đồng gia tộc có trách nhiệm điều hành chung các hoạt độngncủa tộc họ, quyết định những vấn đề trọng yếu của tộc trên nguyên tắc đồng thuận đa số.
Các phiên họp của HĐGT do trưởng HĐGT chủ trì (hoặc người được trưởng HĐGT ủy quyền). Nếu có những ý kiến đồng thuận ngang nhau thì chọn bên có ý kiến của người chủ trì.
Tất cả các văn bản và tuyên bố của tộc, người ký hoặc tuyên bố đều phải lấy danh xưng “thay mặt HĐGT” (khi được ủy nhiệm) mới được tuyên bố và ký các văn bản của tộc.
Hội đồng gia tộc có từ 7 đến 9 thành viên, tùy theo nội dung từng cuộc họp, HĐGT có thể triệu tập mở rộng các thành viên trong dòng tộc.
Nhiệm kỳ của HĐGT là 5 năm, cuối nhiệm kỳ trước phải bầu lại HĐGT nhiệm kỳ sau.
Tất cả các thành viên trong dòng họ bao gồm con cháu nội ngoại dâu rể đều có quyền tham gia ý kiến trong những buổi sinh hoạt tộc (hoặc chuyển đề nghị về HĐGT) để được thảo luận và xem xét thấu đáo.
Gương mẫu thực hiện các quyết định của HĐGT là nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả các thành viên trong dòng họ.
Tộc ước Trần Đắc đã được thông qua chính thức lần thứ nhất và nhất trí 100% tại cuộc họp toàn thể ngày 14 tháng 02 năm 2010 (tức ngày mùng một tết âm lịch năm Canh dần) và được bổ sung lần thứ hai tại cuộc họp các trụ chính vào lúc 19h ngày 22/01/2023 tức tối mồng một Tết năm Quý Mão.
Trên đây là Tộc ước tộc Trần Đắc, Đại Hưng Đại Lộc Quảng Nam. Con cháu căn cứ thực hiện.
Chịu trách nhiệm:
+ Hội đồng Gia tộc tộc Trần Đắc, Đại Hưng, Đại Lộc
+ Lập dự thảo & chỉnh sửa bản in: Trần Thanh Trung
Trưởng HỘI ĐỒNG GIA TỘC